top of page
Writer's pictureHUY BUI VAN

ĐẢO PHỤC SINH

Updated: Nov 4, 2023

Đảo Phục Sinh (tiếng Rapa Nui: ‘Rapa Nui’, tiếng Tây Ban Nha: Isla de Pascua) là một hòn đảo ở đông nam Thái Bình Dương, thuộc chủ quyền Chile, nằm ở cực đông nam Tam giác Polynesia. Đảo Phục Sinh nổi tiếng vì 887 bức tượng đá, gọi là moai, được tạo ra bởi người Rapa Nui cổ. Năm 1995, UNESCO công nhận đảo Phục Sinh là một Di sản thế giới, với đa phần diện tích được bảo vệ trong vườn quốc gia Rapa Nui.

Người Polynesia có thể đã đến đảo Phục Sinh vào khoảng từ năm 700 đến 1100, và đã tạo nên một nền văn hóa giàu có và phát triển, thể hiện qua những bức tượng moai và đồ tạo tác khác. Tuy nhiên, hoạt động con người, sự xuất hiện chuột lắt và quá tải dân số đã dẫn tới sự phá rừng và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, kéo theo sự suy sụp của nền văn minh Rapa Nui. Khi người châu Âu đến đây vào năm 1722, dân số trên đảo chỉ còn 2.000–3.000, giảm xuống từ ước tính 15.000 người một thế kỷ trước. Bệnh dịch và buôn bán nô lệ tiếp tục làm giảm dân số người Rapa Nui, tới chỉ còn 111 người năm 1877.

Đảo Phục Sinh là một trong những đảo có người ở hẻo lánh nhất trên thế giới. Đảo gần nhất có người ở là đảo Pitcairn (khoảng 50 người năm 2013), cách 2.075 kilômét (1.289 mi); thị trấn gần nhất là Rikitea, có dân số chỉ hơn 500, nằm trên đảo Mangareva, cách 2.606 km (1.619 mi); điểm đất liền gần nhất nằm ở miền trung Chile, cách 3.512 kilômét (2.182 mi).

Moai là những bức tượng được tạc từ tro núi lửa cô đặc tại Rapa Nui, Đảo Phục sinh, Chile. Tất cả các bức tượng đều được chế tạo từ đá nguyên khối, có nghĩa được tạc từ một tảng duy nhất. Moai lớn nhất từng được dựng lên là “Paro”, cao tới 10 mét (33 feet) và nặng 75 tấn[1]. Một bức tượng được tìm thấy ở tình trạng chưa hoàn thành cao tới 21 mét (69 ft) và nặng 270 tấn.

MOAI

Các bức tượng được những người khai hoang Polynesia tại hòn đảo này chế tạo bắt đầu từ khoảng năm 1000–1100 sau Công Nguyên. Ngoài việc thể hiện những vị tổ tiên đã mất, moai, cũng từng được dựng tại những địa điểm nghi lễ, cũng có thể từng được coi là hiện thân của các vị thủ lĩnh nhiều quyền lực đang sống. Chúng cũng là những bức tượng biểu hiện dòng giống quan trọng. Moai được điêu khắc bởi một nhóm những người điêu khắc chuyên nghiệp và là một tầng lớp riêng biệt, những người thuộc một tầng lớp cao hơn so với những thợ điêu khắc Polynesia bình thường khác. Các bức tượng đòi hỏi chi phí chế tạo rất lớn; không chỉ bởi việc khắc mỗi bức tượng đều đòi hỏi chi phí nhân công và nguyên liệu, mà còn cho việc di chuyển và dựng đứng nó lên ở vị trí chọn lựa. Hiện ta vẫn chưa biết rõ moai được di chuyển bằng cách nào nhưng quá trình này chắc chắn đòi hỏi nhiều nhân công, dây kéo, búa và/hay con lăn. Một giả thuyết khác cho rằng moai có thể đã được di chuyển bằng cách đẩy đi. (Pavel Pavel và cuộc thực nghiệm thành công của ông[2] chứng minh rằng chỉ cần 17 người với những sợi dây có thể di chuyển với tốc độ khá nhanh những bức tượng ở mức trung bình và cho rằng kỹ thuật này có thể được mô phỏng ở mức độ lớn hơn cho các bức tượng lớn khác). Tới giữa những năm 1800, tất cả moai bên ngoài Rano Raraku và nhiều bức tượng ở trong mỏ đá đã bị lật đổ. Ngày nay khoảng 50 moai đã được dựng lại ở vị trí cũ của chúng.

Những truyền thuyết của người dân trên đảo nói về một vị tộc trưởng tên là Hotu Matu’a, người từng rời quê hương để tìm một quê hương mới. Nơi ông lựa chọn hiện chúng ta gọi là Đảo Phục sinh. Khi ông qua đời, hòn đảo được sáu người con trai của ông phân chia và sau đó lại bị những người cháu chắt chia nhỏ tiếp. Những người dân trên đảo có thể từng tin rằng những bức tượng của họ có thể hấp thu “mana” (những năng lực siêu nhiên) của vị thủ lĩnh. Họ có thể tin rằng bằng cách tập trung mana trên đảo những điềm lành sẽ tới, ví dụ, mưa sẽ rơi và những mùa vụ sẽ bội thu. Truyền thuyết của người định cư chắc chắn là một phần của một thần thoại khác, phức tạp hơn và phản ánh nhiều khía cạnh hơn, và nó đã thay đổi theo thời gian.

Bản đồ Đảo Phục sinh với các địa điểm Moai



1 view

Recent Posts

See All

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
Couldn’t Load Comments
It looks like there was a technical problem. Try reconnecting or refreshing the page.